PROSPER PLAZAPROSPER PLAZA

Tag : chung cư

By admin

Nóng trong tuần: Dân Nam Sài Gòn tiếp tục bị “tra tấn” bởi mùi hôi

Nóng trong tuần: Dân Nam Sài Gòn tiếp tục bị “tra tấn” bởi mùi hôi

Thời gian gần đây, không khí tại khu vực Nam Sài Gòn ô nhiễm trở lại, mùi hôi khó chịu tiếp tục “tra tấn” người dân tại đây khiến họ khốn đốn.

Mùi hôi khiến người dân Nam Sài Gòn khốn đốn những năm gần đây

Ngửi mùi là buồn nôn

Nhiều người dân đang sinh sống tại các khu vực phía Nam Sài Gòn như quận 7, huyện Nhà Bè cho biết, cuộc sống của họ bị xáo trộn bởi mùi hôi thối xuất hiện thường xuyên thời gian gần đây.

Anh Quyền (ngụ phường Tân Phú, quận 7) cho biết, cứ tầm khoảng 5h30 sáng lúc anh đi tập thể dục là mùi hôi bốc lên nồng nặc, xộc thẳng vào mũi.

Anh Quyền cho biết, mùi hôi này xuất hiện thường xuyên hai năm gần đây. Đặc biệt, khoảng thời gian từ tháng 7 đến tháng 8, mùi hôi rất nặng, gây ảnh hưởng đến sức khỏe và đời sống của người dân.

Cũng ngụ phường Tân Phú, bà Minh cho biết, vào ban đêm khi đóng cửa ngủ thì mùi hôi không nhiều, nhưng ban ngày thì không khí rất khó chịu. Do bán quán cơm nên hoạt động kinh doanh của bà Minh bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

“Nhiều lúc khách đang ăn cơm mà mùi hôi nồng nặc ập đến khiến họ ăn không nổi”, bà Minh than thở.

Theo anh Vạn (ngụ xã Phước Kiển, Nhà Bè), mùi hôi xuất hiện nhiều vào thời điểm nửa đêm về sáng, đặc biệt sau những trận mưa.

Cư dân tại khu nhà giàu Phú Mỹ Hưng cũng đang điêu đứng về mùi hôi khó chịu này. Chị Hồng, một cư dân sinh sống gần khu hồ Bán Nguyệt, cho biết sau những cơn mưa, cả khu vực này hôi thối nồng nặc không chịu nổi. Mùi hôi giống mùi xú uế, mới ngửi đã thấy buồn nôn.

Tại các chung cư cao tầng, mùi hôi càng ám ảnh. Anh Phương, cư dân tại chung cư Bellaza (quận 7), cho biết ban đêm muốn mở cửa sổ để đón gió trời cho mát nhưng đành bất lực, bởi cứ mở cửa là mùi hôi ập vào phòng chịu không nổi.

Diễn đàn mạng liên tục cập nhật tình hình mùi hôi khu Nam Sài Gòn

Quá búc xúc với mùi hôi, cư dân khu vực phía Nam Sài Gòn đã lập hẳn một diễn đàn trên facebook để cập nhật liên tục mọi thông tin về mùi hôi của khu vực.

Diễn đàn này thu hút hàng ngàn người tham gia. Họ chủ yếu sinh sống tại các dự án chung cư ở khu Nam như Bellaza, Era Town, Cảnh Viên, Phú Hoàng Anh, Happy Vallay, Chateau, Riviera Point, Mỹ Thái 2, Hưng Lộc Phát, Lacasa…

“Cư dân Phú Mỹ Hưng từ lâu phải chịu đựng mùi hôi thối tại nơi mình sinh sống. Chúng tôi tạo group này để cùng nhau lên tiếng nhằm yêu cầu ban quản lý Phú Mỹ Hưng phải giải quyết thấu đáo việc này, tạo điều kiện cho mọi người an cư, lạc nghiệp”, nội dung được đăng trên trang Sự thật mùi hôi thối ở Phú Mỹ Hưng hay Sự thật mùi hôi thối ở Nam Sài Gòn.

“Mùi hôi thối kinh khủng, muốn tập thể dụng mà đành phải bỏ về. Cả đêm đóng cửa phòng ngộp muốn chết, sáng ra muốn đi bộ thở hít khí trời, nhưng thối thế này chịu sao nổi”, một cư dân bình luận.

Bãi rác Đa Phước là thủ phạm?

Nhiều ý kiến của người dân khu vực Nam Sài Gòn cho rằng nơi phát tán mùi hôi thối những năm gần đây là bãi rác khổng lồ Đa Phước (xã Đa Phước, huyện Nhà Bè).

“Sao lại chôn rác đầu ngọn gió? Rác ngày càng đầy sẽ càng hôi thối làm ảnh hưởng môi trường sống, sức khỏe người dân. Đề nghị đầu tư ngay công nghệ tiên tiến chứ không chôn rác như vậy nữa. Chủ đầu tư làm ô nhiễm môi trường cần phải xử phạt đúng quy định”, một người dân bức xúc.

Trên thực tế, mùi hôi nồng nặc ở Phú Mỹ Hưng và các khu dân cư Nam Sài Gòn đã từng xuất hiện từ giữa năm 2016. Sự việc nghiêm trọng hơn khi người dân phải nộp đơn kêu cứu. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc sau đó đã chỉ đạo UBND TP.HCM kiểm ra làm rõ.

Báo cáo sau đó của UBND TP.HCM cũng kết luận, hoạt động của bãi rác Đa Phước đã phát sinh mùi hôi, ảnh hưởng đến khu vực dân cư một số phường của quận 7, huyện Bình Chánh, huyện Nhà Bè.

Khu xử lý chất thải Đa Phước bắt đầu hoạt động từ năm 2007. Bãi rác này do Công ty TNHH xử lý chất thải rắn Việt Nam – VWS làm chủ đầu tư với tổng số vốn khoảng 100 triệu USD. Khu xử lý chất thải có bãi chôn lấp có diện tích hơn 30 ha và thể tích không gian khoảng 3 triệu m3. Công suất thiết kế 10.000 tấn rác/ngày đạt tiêu chuẩn quốc tế. Hiện nay, mỗi ngày Đa Phước tiếp nhận và xử lý 5.000 tấn rác.

Ông Nguyễn Văn Đực, Phó giám đốc Công ty địa ốc Đất Lành, cho rằng nếu tình trạng mùi hôi không sớm được xử lý triệt để sẽ gây ảnh hưởng lớn không chỉ cuộc sống của người dân mà còn làm giảm giá trị bất động sản tại khu Nam. Ngập nước, kẹt xe, tiếng ồn, ô nhiễm không khí là những điểm trừ với các khu đô thị. Tuy nhiên, việc ngập nước, kẹt xe, hay tiếng ồn có thể chỉ diễn ra trong một khoảng thời gian nhất định, còn ô nhiễm môi trường từ bãi rác thì kéo dài liên tục và gây ảnh hưởng rất lớn.

Cũng theo ông Đực, rác là một bài toán rất lớn đối với các đô thị, không chỉ ở Việt Nam mà tại nhiều nước trên thế giới. Nó đòi hỏi chi phí đầu tư và công nghệ rất lớn cùng với đó là tầm nhìn về quy hoạch.

 

By admin

Sở hữu nhà ở tại Hồng Kông ngày càng khó

Sở hữu nhà ở tại Hồng Kông ngày càng khó

Lượng chủ sở hữu nhà ở tại Hồng Kông trong năm 2017 giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 1999. Thông tin này cho thấy rõ nét nhất sự đắt đỏ số một thế giới của thị trường nhà ở tại đặc khu này.

Tỷ lệ sở người dân sở hữu nhà ở tại Hồng Kông giảm xuống mức
thấp nhất kể từ năm 1999. Ảnh: Bloomberg

Bloomberg vừa dẫn số liệu mới từ Cục Thống kê Hồng Kông cho thấy, tính đến cuối năm 2017, chỉ có 49,2% hộ gia đình Hồng Kông sở hữu nhà ở. Nếu tính từ năm 1999 đến nay thì đây là tỷ lệ sở hữu nhà thấp nhất tại Hồng Kông. Tỷ lệ sở hữu nhà tại đặc khu này từng đạt mức cao nhất vào năm 2004 nhưng cũng chỉ vào khoảng 54,3%.

Chỉ số thống kê của Centaline Property Centa-City Leading chỉ ra rằng, từ năm 1999 đến nay, giá bất động sản ở Hồng Kông đã tăng gấp 3 lần. Nguyên nhân là do các căn hộ tại đây đều có thanh khoản tốt trong khi nguồn cung lại rất hạn chế.

Hãng tư vấn chính sách quy hoạch đô thị Demographia cũng từng đánh giá Hồng Kông là thị trường bất động sản đắt đỏ nhất thế giới trong 8 năm liên tiếp, vượt qua gần 300 thị trường nhà tại 9 quốc gia.

Cũng là một thành phố nổi tiếng đắt đỏ nhưng theo số liệu của Cục Điều tra dân số Mỹ, tỷ lệ sở hữu nhà ở tại New York trong năm 2017 vẫn đạt trung bình 49,9%, cao hơn Hồng Kông. Trong khi đó, tại Singapore, quốc gia mà người dân có thể mua nhà từ chính phủ, tỷ lệ này lên tới trên 90%.

Bản thân đặc khu trưởng Hồng Kông Lâm Trịnh Nguyệt Nga cũng phải thừa nhận một vài biện pháp làm mát thị trường gần như không có kết quả, chính phủ cũng không thể nào “hãm phanh” được giá nhà. Tuy nhiên gần đây, biện pháp giữ “chiếc neo” tiền tệ của Cơ quan tiền tệ Hồng Kông đã phần nào làm giảm sức mua của thị trường, từ đó có thể khiến các nhà băng sẽ xem xét tăng lãi suất cho vay mua bất động sản.

(Theo Thanh niên online)

By admin

Dân mua nhà lo sợ dự thảo thuế nhà 700 triệu

Dân mua nhà lo sợ dự thảo thuế nhà 700 triệu

Quy định nhà trên 700 triệu bị đánh thuế theo dự thảo Luật Thuế tài sản đang được Bộ Tài chính lấy ý kiến được cho là không công bằng, gây khó khăn cho người mua nhà đặc biệt là những người có thu nhập thấp.

Dân phải chịu cảnh “thuế cõng thuế”?

Bộ Tài chính đang lấy ý kiến xây dựng cho dự thảo xây dựng dự án Luật Thuế tài sản. Trong đó, có nội dung quan trọng sẽ đánh thuế với nhà ở có giá trị trên 700 triệu với mức thuế suất tài sản chung là 0,4%.

Theo đó, ngân sách Nhà nước sẽ thu về hàng chục ngàn tỷ đồng nếu quy định này được áp dụng. Cụ thể, Nhà nước sẽ thu về ngân sách khoảng 30.300 tỷ đồng (nếu áp dụng ngưỡng không chịu thuế đối với nhà là 1 tỷ đồng) hoặc khoảng 31.000 tỷ đồng (nếu áp dụng ngưỡng không chịu thuế đối với nhà là 700 triệu đồng).

Tuy nhiên, quy định này ngay lập tức gây tranh cãi. Nhiều người dân cho rằng, việc đánh thuế này là vô lý, gây khó khăn cho người mua nhà.

Anh Hùng (ngụ Thủ Đức, TP.HCM) cho biết, nhà nước đã đánh thuế trên quyền sử dụng đất nay lại muốn đánh thuế trên căn nhà nữa thì rất không hợp lý. Như vậy, một miếng đất người dân phải “cõng thuế” đến hai lần.

Đồng quan điểm, chị Huyền (ngụ Bình Thạnh) cho rằng, hiện nay giá nhà tại TP.HCM không hề rẻ. Nhà ở chung cư được gọi là thu nhập thấp cũng xấp xỉ trên dưới 1 tỷ đồng/căn. Tuy nhiên, phần lớn người dân muốn mua căn hộ này đều phải vay ngân hàng hơn một nửa. Nếu đánh thuế nữa thì sẽ càng làm khổ người dân.

“Bây giờ mua căn hộ 1 tỷ lại phải chịu thêm khoản thuế 0,4%. Trong khi lúc mua căn hộ đã đóng thuế VAT, thuế thu nhập cá nhân, còn các khoản vay ngân hàng, tiền sinh hoạt, học tập của con cái nên người thu nhập thấp sẽ càng khốn khổ nếu luật này được áp dụng”, chị Huyền than thở.

Chỉ nên đánh thuế căn nhà thứ 2

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP.HCM (HoREA) cho biết, Luật Thuế tài sản ban hành sẽ có tác động rất lớn đến với thị trường bất động sản.

Luật này có mặt tích cực khi tăng được nguồn thu ngân sách, làm cho thị trường minh bạch và lành mạnh hơn. Tuy nhiên, “điểm ngẽn” đánh thuế nhà trên 700 triệu đồng sẽ gây khó khăn cho người mua nhà. Vì phần lớn những người mua nhà ở mức giá này đều là những người thu nhập thấp.

Nếu được áp dụng sẽ xảy ra tình trạng thuế chồng thuế, do người mua nhà vừa phải nộp Tiền sử dụng đất rất lớn, vừa phải nộp thuế tài sản. Ngoài ra, sẽ tác động đến mặt bằng giá nhà ở trên thị trường bất động sản theo chiều hướng tăng lên. Bên cạnh đó, hoạt động đầu tư, kinh doanh của các nhà đầu tư thứ cấp dẫn cũng gặp khó dẫn tới khả năng sụt giảm giao dịch trên thị trường bất động sản.

Do đó, ông Châu kiến nghị, nên áp dụng thuế suất 0% đối với nhà ở có giá trị từ 1 tỷ đồng trở xuống để hỗ trợ thiết thực cho những người có thu nhập trung bình thấp và người có thu nhập thấp trong xã hội.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu, quy định đánh thuế theo giá trị căn nhà như đề xuất của Bộ Tài chính là không hợp lý. Không nên đánh thuế căn nhà đầu tiên, thay vào đó, chỉ nên đánh thuế từ căn nhà thứ 2 trở lên. Bởi những người có từ 2 căn nhà trở lên thường là những người giàu, có thu nhập cao. Như vậy sẽ đảm bảo được tính công bằng.

Cũng theo Tiến sĩ Hiếu, chỉ nên đánh thuế với quyền sử dụng đất, chứ không nên đánh thuế trên giá trị của căn nhà xây dựng trên đó. Bởi lẽ, căn nhà xây dựng trên đó được làm nên bởi nguồn thu nhập mà người dân đã trả thuế.

Lý giải của Bộ Tài chính về việc đánh thuế theo giá trị

Theo Bộ Tài chính, có 2 cách xác định ngưỡng không chịu thuế để đánh thuế là xác định ngưỡng không chịu thuế theo giá trị hoặc xác định ngưỡng không chịu thuế theo diện tích.

Phương án ngưỡng không chịu thuế theo diện tích có ưu điểm là đơn giản, dễ thực hiện, thuận lợi trong việc xác định số thuế phải nộp; ổn định, không thay đổi theo thời giá. Tuy nhiên, việc xác định ngưỡng không chịu thuế theo diện tích có nhược điểm là điều tiết cả đối với người sử dụng nhà có giá trị không lớn, nhà đơn sơ, nhà thiếu kiên cố, nhà tại nông thôn có diện tích vượt ngưỡng không chịu thuế nhưng giá trị thấp; trong khi đó lại không điều tiết đối với nhà có giá trị lớn nhưng diện tích nằm trong ngưỡng không chịu thuế

Phương án ngưỡng không chịu thuế theo giá trị nhằm đảm bảo mục tiêu của thuế tài sản, không điều tiết đối với nhà có giá trị dưới ngưỡng không chịu thuế, điều tiết cao đối với nhà có giá trị lớn, đảm bảo công bằng xã hội (chỉ tính thuế đối với nhà có giá trị vượt ngưỡng không chịu thuế). Việc áp dụng ngưỡng không chịu thuế theo giá trị sẽ phân biệt được các loại nhà khác nhau (đơn giá xây dựng mới 1m2 nhà biệt thự, nhà ở cấp I cao hơn rất nhiều đơn giá xây dựng mới 1m2 nhà ở cấp III, cấp IV).

Do đó, Bộ Tài chính chọn phương án đánh thuế theo giá trị.

Trần Phong

By admin

Làm gì để hạ nhiệt khiếu kiện tại các chung cư?

Làm gì để hạ nhiệt khiếu kiện tại các chung cư?

Thực trạng các chung cư xung đột lợi ích giữa cư dân, chủ đầu tư, thậm chí với ban quản trị đòi hỏi phát huy vai trò đi đầu của hệ thống chính trị.
Các quận Thanh Xuân, Hà Đông, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm là một trong những quận có tốc độ đô thị hóa nhanh của Hà Nội. Trên địa bàn quận Thanh Xuân có 89 tòa nhà chung cư đã đưa vào khai thác, sử dụng trong đó có 67 tòa chung cư thương mại, 22 tòa chung cư tái định cư.

Đến nay các phường phối hợp với các chủ đầu tư để tổ chức hội nghị nhà chung cư và đã thành lập được Ban quản trị (BQT) 54/67 tòa chung cư thương mại, 13/22 tòa chung cư tái định cư. Tương tự, trên địa bàn Hà Đông có hơn 80 tòa nhà chung cư đã thành lập được BQT của 70 tòa nhà.

Cư dân căng băng rôn phản đối chủ đầu tư. Ảnh: Internet

Tuy nhiên, thực tế tình trạng xung đột lợi ích giữa chủ đầu tư với BQT tòa nhà hay cư dân với BQT dẫn đến việc khiếu kiện đông người đang gây lúng túng cho chính quyền địa phương trong công tác quản lý chung cư.

Ông Đoàn Thành Nhân, Phó giám đốc điều hành Công ty ACC Thăng Long chủ đầu tư tòa nhà Artemis số 3 Lê Trọng Tấn, chia sẻ: trước khi bàn gian căn hộ tháng 1/2017, chủ đầu tư đã thuê 2 đơn vị quản lý chuyên nghiệp là Savills và sau đó là PMC với mức phí quản lý khoảng 500 triệu đồng/tháng. Thế nhưng, trong một số cuộc họp giữa cư dân và chủ đầu tư, một số cư dân đòi chấm dứt hợp đồng với các đơn vị này khi tiến độ sửa chữa lỗi căn hộ bị chậm… Trước áp lực của cư dân và chủ đầu tư, hai đơn vị quản lý này lần lượt xin rút.

Chủ đầu tư cũng đã 2 lần có thông báo văn bản đến cư dân đề nghị cư dân thành lập BQT và chủ động lựa chọn đơn vị quản lý.

Theo ông Nhâm việc thành lập BQT tòa nhà theo luật là 1 năm và điều kiện trên 50% dân cư về sinh sống. “Với thiện chí của chủ đầu tư chúng tôi mời công an phường đến làm đăng ký tạm trú, hộ ở ổn định lâu dài phải đăng ký thường trú nhưng đến nay mới chỉ có 70 hộ dân trên tổng số 300 hộ đăng ký”, ông Nhâm chia sẻ.

Theo ông Lê Cường, Bí thư quận ủy Hà Đông, những tiềm ẩn lớn nhất thời gian qua với Hà Đông là việc quản lý nhà chung cư hết sức phức tạp. Các nhà chung cư ngoài việc phản ứng tụ tập đông người khiếu kiện điều kiện an toàn PCCC còn nổi lên khúc mắc giữa BQT và chủ đầu tư. “Khúc mắc cư dân với BQT cũng hết sức phức tạp. Khi thành lập BQT xong thì gần như tất cả các tòa nhà vẫn thường có phát sinh khúc mắc giữa Chủ đầu tư và BQT.

Có những tòa nhà BQT thực hiện không tốt nhiệm vụ nên cư dân khiếu kiện. Để bầu lại BQT cũng hết sức khó khăn vì phải lấy được 50% số phiếu mới bầu lại được Ban quản trị”.

Theo Bí thư quận ủy Hà Đông, cần xây dựng Nghị quyết chuyên đề tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đối với các tòa nhà chung cư để có biện pháp quản lý tốt hơn.

Cùng quan điểm với lãnh đạo quận Hà Đông, bà Trần Thị Phương Hoa – Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Hà Nội cho rằng, hiện nay tình trạng khiếu kiện tập trung đông người còn rất phức tạp. Trước đây, khiếu kiện đông người tập trung chủ yếu ở các xã phường liên quan đến GPMB đất đai, xây dựng…. thì nay khiếu kiện đông người đã nổi lên ở các chung cư cao tầng là nơi có đa số dân cư các nơi về sinh sống. Trong khi chính quyền vẫn chưa có biện pháp quản lý các hoạt động ở những khu dân cư cao tầng này hiệu quả.

Bà Phương Hoa đề nghị, Thành ủy nghiên cứu để thành lập tổ chức đảng và các đoàn thể ở các khu chung cư cao tầng này.

Theo bà Phương Hoa việc xảy ra phát sinh giữa chủ đầu tư và người dân do chủ đầu tư với BQT khi chưa thực hiện công khai dân chủ, minh bạch quản lý chi tiêu trong khu nhà. Vấn đề này cần được quan tâm vì địa bàn huyện, quận nào cũng đều có chung cư cao tầng, dân về đông nhưng chưa có tổ chức đảng, đoàn thể.

“Tôi thấy rằng cần quan tâm nghiên cứu nếu không sau này địa bàn nào cũng xảy ra khiếu kiện đơn thư nhiều gây khó khăn cho công tác lãnh đạo chỉ đạo của Thành phố”- bà Phương Hoa lo ngại.

Đỗ Hưng (VOV)

Nóng trong tuần: Dân Nam Sài Gòn tiếp tục bị “tra tấn” bởi mùi hôi
Sở hữu nhà ở tại Hồng Kông ngày càng khó
Dân mua nhà lo sợ dự thảo thuế nhà 700 triệu
Làm gì để hạ nhiệt khiếu kiện tại các chung cư?